Tin tức

Thầy cho em đôi cánh

Bạn đánh giá: 0 / 5

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Đôi mắt của Hồ Văn Đào dường như long lanh hơn mỗi khi nói về niềm vui được cắp sách đến trường. Trên đôi chân khuyết tật, cậu học trò vùng cao đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đứng cùng con chữ.

Tập đứng để đến trường

Ba hồi trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi, từ những lớp học, các em nhỏ trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang (xã Ba Nang, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị) túa ra, cười nói rôm rả. Chốc lát, lũ trẻ bắt đầu tham gia các trò chơi như: Đuổi bắt, nhảy dây, chi chi chành chành... Trong đám đông ấy, tôi không rời mắt khỏi một cậu bé nhỏ thó, đen nhẻm, chỉ có thể bước đi bằng hai đầu gối. Ấy vậy mà em chơi trò đuổi bắt “ngon lành” không kém bạn nam nào. Nhìn học trò bằng ánh mắt trìu mến, thầy Hoàng Văn Luận, Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: “Cậu bé ấy là Hồ Văn Đào, học lớp 7B, trò cưng của chúng tôi đấy! Không chỉ ngoan ngoãn, chăm học, Đào còn rất hòa đồng. Đôi chân khuyết tật không còn là rào cản đối với em”.

Cái ngày định mệnh ấy đã lùi vào quá khứ gần 10 năm. Thế nhưng, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, bà Hồ Thị Mó, mẹ của Đào vẫn vén vội vạt áo để chặn dòng nước mắt. Ngày đó, Đào còn là một cậu bé khỏe mạnh, kháu khỉnh. Vậy mà, mũi tiêm sốt rét đã cướp đi sự lành lặn của đôi chân em. Bà Mó chia sẻ: “Khi biết cháu không thể đi được trên đôi chân của mình, mọi thứ như đổ sụp trước mắt tôi. Càng thương con, tôi càng lo lắng khi nghĩ đến tương lai của cháu”. Theo tháng ngày, Đào lớn lên như “củ sắn, củ khoai, chỉ nằm lăn lóc trên sàn”. Lần nọ, đi rẫy về, bà Hồ Thị Mó giật mình khi thấy đứa con nhỏ đang tập di chuyển trong nhà bằng tay và hai đầu gối. Toàn thân cậu run lẩy bẩy, mồ hôi túa ra như tắm. Riêng đôi mắt Đào ánh lên sự quyết tâm lạ thường. Ánh mắt ấy y chang người cha quá cố của cậu.

Từ bò loanh quanh trong nhà, Đào bắt đầu “mở rộng địa bàn”. Cậu đu người lủng lẳng trên bậc nhà sàn để xuống sân chơi với lũ trẻ chòm xóm. Thế nhưng, ai cũng ngại kết bạn với “một đứa to xác mà chỉ biết bò”. Đào không phiền lòng, cậu tiếp tục “bò” đi xa hơn để tìm bạn. Nhiều khi trở về nhà, toàn thân Đào bê bết bùn đất. Mẹ tắm rửa cho cậu mà nước mắt chảy ròng ròng. Ít ai biết chính những chuyến “phiêu lưu” ấy đã giúp Đào làm nên điều kỳ diệu là tự đứng lên trên đôi chân của mình. Đặc biệt, Đào bắt đầu nghĩ tới chuyện đến trường. “Lúc ấy, em chỉ nghĩ đơn giản, đi học rồi thì mình sẽ có nhiều bạn hơn để chơi đùa” - Đào hồn nhiên chia sẻ.

6 tuổi, trong khi lũ trẻ chòm xóm được bố mẹ khuyên bảo hết lời vẫn không chịu đi học, thì Đào níu tay xin mẹ đến trường. Bà Hồ Thị Mó ái ngại nói với con: “Đó là điều không thể”. Đào không nói gì hơn. Tối đó, lần đầu tiên sau nhiều năm, Đào khóc thành tiếng. Bên kia vách, mẹ cậu khẽ trở mình. Bà không ngủ được bởi tâm trí cứ đuổi theo suy nghĩ: “Hôm nào mình cũng phải lên nương, trồng mì, trồng bắp, nuôi 4 đứa con dại, ai sẽ đưa Đào đến trường? Tiền đâu để mua sách vở cho con? Rất có thể Đào sẽ tổn thương khi bị bạn bè xa lánh?”. Suy nghĩ mãi, cuối cùng, bà Mó đành tặc lưỡi, chiều ý con. Nhận được cái gật đầu của mẹ, Đào vui đến mức không nói nên lời. Cậu dặn mẹ cứ lên nương như thường ngày. Về phần mình, Đào sẽ đi học cùng các bạn. Buổi đầu, thấy Đào loi choi chống hai đầu gối đến trường, sau phút ngạc nhiên, có đứa nói với Đào: “Mày bị liệt mà cũng đòi đi học?”. Đào buồn, song không giận. Cậu nghĩ: “Chỉ là do các bạn chưa hiểu và đồng cảm với mình thôi”.

Tưởng chừng Đào “chỉ học dăm bữa, nửa tháng, rồi sẽ nản và bỏ cuộc”, ai ngờ cậu học một lèo lên lớp 5. Hằng ngày, dẫu mưa trắng trời hay nắng đổ lửa, Đào vẫn đến lớp. Có hôm đường nhão nhoẹt bùn đất, người bình thường cũng ngại bước ra khỏi nhà, ấy vậy mà Đào bò đi học. Đến cửa lớp, cậu bé khuyết tật trông y chang “một cục đất”. Cảm phục nghị lực của Đào, các bạn trong lớp dần xích gần cậu hơn.

Thầy cô cho em đôi cánh

Đào thường bảo: “Em không có đôi chân lành lặn. Song, bù lại, thầy cô đã chắp cho em đôi cánh”. Quả vậy, lên lớp 6, điểm trường trung tâm cách nhà Đào tầm nửa ngày cuốc bộ. Trong khi cậu bé khuyết tật đang loay hoay không biết làm cách nào để đi học thì thầy giáo Hồ Ngọc Vương đã đến. Biết hoàn cảnh của Đào, người giáo viên trẻ tự nhủ, không thể để giấc mơ của cậu bé khuyết tật bị chôn vùi. Sau năm lần bảy lượt thuyết phục mẹ của Đào, cuối cùng, thầy Vương cõng em vượt chặng đường xa ngái để về trung tâm xã. Trước khi đi, thầy đã nắm tay mẹ của Đào và hứa sẽ xem cậu như con.

Buổi đầu xa nhà, Đào nhớ mẹ, nhớ bản làng đến mức không ngủ. Cậu bé chỉ biết rấm rứt khóc. Thấy các thầy cô xúm xít động viên, Đào mếu máo bảo: “Cho em khóc nốt hôm nay thôi. Ngày mai, vào học rồi, em sẽ không buồn, không khóc nữa”. Lời hứa của một đứa trẻ tưởng như cơn gió, vậy mà Đào thực hiện được. Ngay hôm sau, cậu đến lớp với nụ cười thường trực trên môi. Được sự động viên của thầy cô và các bạn, cậu bé lao vào học như thể ngày mai sẽ không còn được đến trường nữa. Sau đó một tuần, mẹ Đào lặn lội từ bản Ngược về trường để xem tình hình của con. Khi mẹ hỏi có muốn về nhà không, Đào liền trả lời: “Sau khi học hết chữ của thầy cô, con sẽ về”.

Trên lớp, Đào luôn nỗ lực hết mình. Em chăm chú nghe giảng và liên tục đặt ra những câu hỏi cho mình cũng như giáo viên. Các thầy cô giáo trong trường thường đùa, nếu thiếu Đào, mỗi giờ học sẽ kém phần sôi nổi. Đáng ghi nhận hơn, Đào không muốn nhận được “sự ưu tiên đặc biệt” nào so với các bạn. Đào chia sẻ: “Các thầy đã khuyên em không nên ỷ lại, trông chờ vào sự thương cảm của người khác. Đó cũng chính là điều em đã và đang nỗ lực thực hiện. Em muốn chứng minh rằng, những điều người bình thường làm được thì nhất quyết mình cũng sẽ làm được”. Đào không nói chơi. Cậu chứng tỏ sự bình đẳng với các bạn bằng những hành động nhỏ nhất như: Đứng dậy mỗi khi phát biểu; tham gia các buổi tập thể dục, trò chơi vận động; đứng trước lớp để thuyết trình... Lần nọ, thấy bài làm của mình có sự nhầm lẫn, nhưng thầy chưa phát hiện ra, Đào liền thưa với thầy. Kết quả, bài kiểm tra điểm thấp hơn trước, nhưng cậu học trò khuyết tật vẫn rất vui.

Giờ đây, ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của Đào. Cậu được tạo điều kiện ở với 4 thầy giáo trong căn phòng nhỏ thuộc khu tập thể của nhà trường. Hằng đêm, thầy Hiệu phó Lê Thanh Tùng và các thầy giáo khác luân phiên nhau đồng hành cùng Đào trên từng trang sách. Về phần mình, thầy Hồ Ngọc Vương đã dành chiếc giường đơn nhỏ bé của mình cho cậu học trò khuyết tật. Đào hay ốm vặt. Mỗi lần cậu đổ bệnh, các thầy lại thay phiên nhau bón từng thìa cháo, lo thuốc thang...Trong giấc ngủ chập chờn, hễ mở mắt, cậu bé lại nhìn thấy gương mặt âu lo của các thầy. Hình ảnh ấy làm em liên tưởng đến người cha của mình. Thầy Lê Thanh Tùng chia sẻ: “Ngoài lo từng bữa cơm, giấc ngủ, anh em chúng tôi còn dạy Đào làm những công việc vừa sức; hướng dẫn các kỹ năng cần thiết; khuyên bảo mỗi khi em làm việc gì đó chưa đúng... Hầu hết thầy cô ở đây đều xa gia đình và đã có con nên ai cũng thương Đào”.

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Đào, tôi đã kể cho em về Nick Vujicic - người thanh niên không chân, không tay nhưng có thể đá bóng, lướt sóng, tự tin diễn thuyết trước hàng nghìn người... Nghe xong, gương mặt của cậu bé Vân Kiều rạng rỡ hẳn. Em bảo: “Ít nhất em cũng may mắn hơn anh Nick vì có đôi bàn tay. Em sẽ cố gắng phấn đấu theo gương anh ấy”. Đoạn, Đào chia sẻ với tôi về ước mơ sau này được về xuôi học chữ và mong muốn trở thành người giáo viên nhân dân. Mắt Đào dường như sáng hơn sau mỗi lời nói. Em khẽ vươn mình lên trên đôi chân tật nguyền như thể sắp chạm tay vào giấc mơ.n

Thông tin cứu trợ

Địa chỉ: 58 Trần Huy Liệu, Cẩm Lệ, Đà Nẵng

Điện Thoại: 0511 369 5212

Tài khoản Vietcombank

Tài khoản  Vietinbank

Hình ảnh

Lượt truy cập

10321946
Hôm nay
Trong tháng
Tổng
89
89202
10321946

Please publish modules in offcanvas position.